Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Nhân Đức
Những năm qua, Cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức, bản Chài, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên luôn chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ dong riềng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Công đoạn làm khô miến được phơi thủ công ngoài trời.
Anh Đinh Văn Nhân, chủ cơ sở, cho biết: Trước kia, gia đình tôi chủ yếu thu mua củ dong của người dân trong vùng và sơ chế tinh bột dong chuyển về các cơ sở sản xuất miến dong ở các tỉnh dưới xuôi, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trăn trở vì điều đó, đến năm 2014, tôi quyết tâm đi học hỏi, tìm hiểu quy trình làm miến dong từ các làng nghề truyền thống, mua các loại máy móc hiện đại vào sản xuất miến dong. Năm 2015, tôi thành lập Cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị; thuê đất trồng nguyên liệu và ký hợp đồng, cam kết thu mua dong riềng cho người dân trong xã, đặc biệt chú trọng đầu tư đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện tại, Cơ sở có 2 loại sản phẩm miến dong; gồm sản phẩm sản xuất thủ công và sản xuất bằng băng chuyền miến chín bằng hơi nước. Trong đó, sản phẩm sản xuất bằng băng chuyền năng suất cao gấp 3 lần làm thủ công, nhưng thị trường lại ưa chuộng sản phẩm sản xuất thủ công hơn. Công đoạn làm khô miến thủ công được phơi ngoài trời, nên sợi miến có màu xám nhạt tự nhiên, được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn. Cùng với đó, cơ sở đã đầu tư trên 100 triệu đồng đường ống dẫn nước dài hơn 3 km từ bản Lềm, xã Huy Tân để lấy nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình sản xuất, để tạo ra sản phẩm miến dong ngon, sạch, cơ sở luôn tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, Cơ sở đã vận động người thân trong gia đình và một số người dân trong xã chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất ruộng, đất đồi kém hiệu quả kinh tế sang trồng dong riềng. Đến nay, trên địa bàn xã Huy Thượng đã phát triển được 30 ha cây dong riềng, năng suất 60 – 70 tấn củ/ha phục nhu cầu sản xuất tinh bột dong và miến dong cho Cơ sở. Mỗi năm, Cơ sở còn thu mua hơn 500 tấn củ dong của người dân các xã lân cận. Ông Đinh Văn Tiệp, bản Chài, xã Huy Thượng, cho biết: Hiện gia đình đã chuyển đổi 5.000 m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Nhờ chăm sóc theo quy trình, năng suất đạt từ 65 đến 70 tấn củ tươi/ha và được cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 45 triệu đồng.
Không chỉ tiêu thụ nông sản cho người dân mà Cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức còn duy trì được nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trước Tết Nguyên đán, Cơ sở sản xuất tăng gấp 3 lần sản lượng so với thời điểm khác trong năm nên đã thuê thêm 10 lao động mùa vụ, với tiền công từ 200 – 250 nghìn đồng/ngày. Ông Cầm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Huy Thượng, cho biết: cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức là một điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã. Trước đây, bà con nhân dân trong vùng chủ yếu sản xuất ngô, sắn, dong, chủ yếu bán sản phẩm thô. Bây giờ có cơ sở thu mua toàn bộ sản phẩm thô cho người dân nên đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định.
Với ưu điểm 100% nguyên liệu từ bột củ dong riềng, không có chất phụ gia hay chất tạo màu, sợi miến dong Nhân Đức dai giòn khi nấu, không bị nát, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, cuối năm 2020, sản phẩm của Cơ sở đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh chấm, đánh giá đạt 3 sao. Hiện, sản phẩm miến dong Nhân Đức đã được đóng hộp, có đầy đủ thông tin về sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, mã vạch và có mặt tại điểm trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nông sản Sơn La trên địa bàn huyện Phù Yên. Trung bình Cơ sở sản xuất khoảng 3 tạ miến/ngày, giá bán dao động từ 70 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng/kg. Hàng năm, Cơ sở xuất bán ra thị trường hơn 40 tấn miến dong, doanh thu trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm miến dong Nhân Đức được bán ở trong tỉnh và thị trường Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh…
Không chỉ thành công trong việc lưu giữ được nghề truyền thống, Cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức đang góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Để miến dong Nhân Đức trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.