Sàn thương mại điện tử Sơn La

Khởi sắc nông nghiệp Sông Mã

Bức tranh nông nghiệp huyện Sông Mã năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, khẳng định vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của huyện.

Sông Mã xuất khẩu nhãn sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2022.

Khái quát những kết quả của ngành nông nghiệp đã đạt được năm qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, thông tin: Nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng, khai thác tiềm năng lợi thế cây trồng, vật nuôi; chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và nước ngoài.

Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 38.264 ha, bằng 102,6% kế hoạch, tăng 2,1% so với năm 2021, trong đó: Diện tích cây lương thực có hạt là 17.725 ha, đạt 100,4%; tổng sản lượng lương thực 72.709 tấn, đạt 105,6%. Đến nay, toàn huyện có 10.682 ha cây ăn quả, sản lượng trong năm trên 80 nghìn tấn. Trong đó, cây nhãn tiếp tục đóng vai trò cây trồng chủ lực với diện tích 7.500 ha và sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Vụ nhãn năm 2022, toàn bộ sản lượng được tiêu thụ hết, trong đó xuất khẩu được 504 tấn.

Phát huy lợi thế với cây trồng chủ lực là nhãn, trong năm, huyện Sông Mã tổ chức thành công Ngày hội nhãn năm 2022 với chủ đề “Nhãn Sông Mã – Thương hiệu, uy tín, khát vọng vươn xa” và đón nhận Quyết định của UBND tỉnh về công nhận 2 làng nghề chế biến long nhãn tại bản Hải Sơn và bản Hồng Nam xã Chiềng Khoong với quy mô 130 hộ gia đình, trong đó tại bản Hồng Nam có 60 hộ, bản Hải Sơn trên 70 hộ. Toàn huyện có 2.910 lò sấy long nhãn với công suất chế biến từ 2.000 – 3.000 tấn quả tươi/ngày lò sấy long nhãn, vụ nhãn vừa qua các lò sấy đã chế biến 18.879 tấn quả nhãn tươi, chiếm 31,46 % tổng sản lượng nhãn toàn huyện.

Ông Đào Mạnh Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Trưởng làng nghề chế biến long nhãn bản Hồng Nam, chia sẻ: Bản có hơn 50 hộ làm long nhãn, trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 3.000 tấn quả nhãn tươi, nghề làm long nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Việc thành lập làng nghề không chỉ là điều kiện quan trọng về tư cách pháp nhân để đẩy mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất, mà còn tạo điều kiện liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, đưa thương hiệu long nhãn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Năm nay, Sông Mã có thêm màu xanh của những cây quế đang dần phủ kín đồi trọc, đất trống. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: HĐND huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án “Phát triển quế trên địa bàn huyện Sông Mã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, toàn huyện đã trồng trên 1.000 ha quế. Giai đoạn 2023-2025, huyện phấn đấu trồng mới khoảng 1.500 – 3.000 ha, đến năm 2025 phát triển và ổn định diện tích quế khoảng 4.000 ha; năm 2030 phát triển diện tích quế toàn huyện khoảng 10.000 ha.

Lĩnh vực chăn nuôi giữ đà tăng trưởng. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện trên 1,25 triệu con, tăng 1,8% so với năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 11,55 nghìn tấn. Nhiều HTX, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Điển hình, mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát ở bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới đã xây dựng trang trại nuôi bò nhốt chuồng với quy mô 3.000 m², nuôi 60 con bò giống lai sind, barahman trên nền đệm lót sinh học và trồng cỏ voi giống VA06 để chủ động nguồn thức ăn.

Ông Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, bản Tây Hồ, chia sẻ: Sau 2 năm triển khai mô hình nuôi bò lai sind sinh sản, đã mang lại doanh thu 1,25 tỷ đồng. HTX đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo nguồn con giống chất lượng để cung cấp cho người dân trên địa bàn.

Thông tin về mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; tập trung cải tạo, thâm canh diện tích cây ăn quả hiện có gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Phát triển chăn nuôi sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.