Sàn thương mại điện tử Sơn La

Mùa thu hoạch cam ở Chiềng Xuân

Về xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, thời điểm này, người dân trong xã đang khẩn trương thu hoạch cam. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người sản xuất về một mùa cam bội thu.

Thành viên HTX Nông nghiệp Tiến Thành kiểm tra chất lượng quả.

Chiềng Xuân là một trong những xã có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất của huyện Vân Hồ, với trên 293 ha. Trong đó, có 80 ha trồng cam Vinh và cam đường canh đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 900 tấn quả/năm. Từ năm 2018, các hộ trồng cam ở Chiềng Xuân đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Qua 4 vụ sản xuất, chất lượng sản phẩm cam của Chiềng Xuân nhận được sự đánh giá cao của các đối tác, bạn hàng và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Theo chia sẻ của người trồng cam, ngay từ đầu vụ, đa số sản phẩm cam đã được các thương lái đặt hàng trước với giá bán cam đường canh tại vườn là 30 nghìn đồng/kg, cam Vinh được bán với giá 15-20 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân đạt 150-200 triệu đồng/ha.

Hộ dân bản Suối Quanh kiểm tra đường ống tưới ẩm cho vườn cây.

Ông Mùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xuân, cho biết: Cây ăn quả nói chung và cây cam nói riêng được coi là cây trồng chủ lực của xã. Hằng năm, xã đều mời cán bộ kỹ thuật của huyện về tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất nông sản an toàn, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hiện, xã đã có trên 10 ha trồng cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với trên 40 hộ dân tham gia, từng bước tạo dựng thương hiệu cam Chiềng Xuân.

Nhân dân bản Suối Quanh chăm sóc cây cam sau vụ thu hoạch.

Trong quá trình sản xuất, ở Chiềng Xuân thường xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây. Do vậy, một số hộ dân trong xã đã chủ động tìm nguồn nước ngầm trên các khu sản xuất; góp tiền xây bể chứa nước và đường ống dẫn nước từ suối Quanh đến khu vực sản xuất. Một số hộ khác sử dụng nước giếng khoan và tìm kiếm các mạch nước ngầm trên đồi để đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Thành, chia sẻ: HTX hiện có 10 thành viên, quy mô sản xuất 30 ha cam Vinh, cam đường canh, bưởi và nhãn, trong đó, diện tích trồng cam chiếm khoảng 10 ha. Từ khi bắt tay vào trồng cam, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện tư vấn, hỗ trợ đăng ký và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Năm 2018, diện tích 5 ha cam của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, góp phần tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Sản lượng cam bình quân đạt 200 tấn/năm, thu nhập bình quân 1 ha trồng cam đạt 150 triệu đồng/vụ trở lên. Hiện nay, chúng tôi còn khoảng 4 ha cam chưa thu hoạch, dự kiến vụ thu hoạch cam năm nay sẽ kết thúc trước ngày 20/12.

Thành viên HTX Nông nghiệp Tiến Thành chăm sóc cây cam.

Chị Đinh Thị Như Quỳnh, bản Suối Quanh, cho biết: Năm nay, 3 ha cam canh và cam Vinh của gia đình dự kiến năng suất đạt 13 tấn/ha. Ngay từ đầu tháng 9, gia đình tôi đã nhận được đơn đặt hàng của các bạn hàng truyền thống, với số lượng lớn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình chỉ còn 5.000 m2 cam canh chưa thu hoạch. Doanh thu từ cam năm nay của gia đình ước đạt khoảng 700 triệu đồng.

Vụ cam năm nay, người nông dân Chiềng Xuân được mùa, được giá. Hiện nay, một số vườn cam đã hoàn thành thu hoạch, chủ vườn đang triển khai đốn, tỉa cành và bón lót cho cây, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Xã đang vận động, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn; từng bước xây dựng được thương hiệu cam Chiềng Xuân, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, nâng cao thu nhập cho người nông dân.